Thông tin

Tìm hiểu về bão

1: Nguy cơ sau khi bão qua
2: Mức độ tàn phá của gió cực mạnh
3: Nước dâng do bão
4: Nước sông dâng gây ngập lụt
5: Cần chuẩn bị thế nào trước khi bão đến?




1: Nguy cơ sau khi bão qua

Ra ngoài khi bão đang tiến gần đương nhiên là việc nguy hiểm, nhưng ngay cả sau khi bão đã qua thì đi bộ hay lái xe ra ngoài cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Những vật thể bị gió mạnh cuốn đi có thể vẫn còn nằm trên mặt đường và hè phố. Nếu bạn dẫm phải chúng có thể sẽ bị ngã hoặc bị thương ở chân. Khi lái xe, xe của bạn có thể đâm vào những mảnh vụn trên đường và dẫn đến tai nạn. Ngoài ra, những vật nhỏ cũng có thể khiến xe bị thủng lốp.

Hiệp hội Ô tô Nhật Bản cung cấp các dịch vụ cứu hộ khẩn cấp trên đường. Hiệp hội cho biết thủng lốp chiếm phần lớn số sự cố. Họ cho rằng nhiều trường hợp do xe chạy qua các mảnh mái nhà, tường hay cành cây bị bão thổi bay và nằm la liệt trên mặt đường. Theo hiệp hội, chỉ riêng tại tỉnh Osaka họ đã nhận được 782 cuộc điện thoại xin cứu hộ trong 3 ngày hồi tháng 9/2018 khi cơn bão mạnh quét qua miền Tây Nhật Bản.

Vì vậy, người dân được khuyên nên đề phòng khi lái xe sau bão và xác nhận cẩn thận tình trạng đường sá.



2: Mức độ tàn phá của gió cực mạnh

Sau đây là ví dụ về những nguy cơ thiệt hại do gió mạnh ở các vận tốc khác nhau.

Vận tốc gió tối đa có lúc lên tới 144km/h, đủ mạnh để thổi bay các biển báo và làm lật xe tải đang chạy.

Sức gió giật tối đa 216km/h là tương đương với vận tốc của tàu siêu tốc shinkansen, và tốc độ gió này có thể phá hủy các tòa nhà.

Bão có thể gây gió cực mạnh với vận tốc lên tới 288km/h, khi đó có thể thổi ô bay mạnh tới mức nếu va phải cửa sổ có thể làm vỡ kính cửa sổ.

Mọi người được khuyến cáo rằng trước khi bão tới và gió mạnh lên, cần cất những đồ vật có thể bị gió mạnh thổi bay, ví dụ như ô hay cây phơi quần áo ngoài trời. Ngay cả giẻ ướt hay tạp chí bị thổi bay cũng rất nguy hiểm.

Nên đóng kín cửa chớp sẽ an toàn hơn. Nếu nhà không có cửa chớp, nên che kính cửa sổ bằng bìa các-tông hoặc dán băng dính lên cửa đề phòng mảnh kính văng ra khi kính bị vỡ.

Bão có thể gây mất điện và mất nước, vì thế mọi người được khuyến cáo dự trữ thực phẩm cho ít nhất 3 ngày, cùng với pin.

Sau khi nổi gió mới bắt đầu chuẩn bị sẽ có nhiều rủi ro, do đó mọi người nên chuẩn bị trước khi bão tới.  

Cũng cần cảnh giác với gió giật, trong đó có nguy cơ lốc xoáy, kể cả ở khu vực xa tâm bão. Khi có dấu hiệu mây đen kéo đến như sấm chớp, gió thay đổi bất ngờ hoặc trời tối sầm lại, mọi người được khuyến cáo tìm nơi trú ẩn trong những tòa nhà có nền móng kiên cố.

Trong trường hợp bạn đang ở trong nhà, nên đóng rèm và di chuyển sang phòng không có hoặc có ít cửa sổ hơn.



3: Nước dâng do bão

Nước dâng do bão xảy ra khi bão tiến gần hoặc khối khí áp thấp hình thành khiến mặt nước biển dâng cao, kết hợp với gió mạnh làm ngập lụt các vùng ven biển. Hiện tượng này xảy ra nhiều lần gây thiệt hại nghiêm trọng cho các khu vực trên khắp Nhật Bản.

Cách đây 2 năm, bão Jebi khiến nước dâng trên diện rộng ở Vịnh Osaka, miền Tây Nhật Bản, làm ngập nhiều vùng, bao gồm cả đường băng Sân bay Quốc tế Kansai và tầng hầm của toà nhà ga sân bay. Phải mất 17 ngày mới có thể khắc phục được hậu quả.

Năm 2004, bão Chaba khiến nước dâng ở nhiều vùng thuộc biển nội Seto, làm 3 người ở các tỉnh Kagawa và Okayama thiệt mạng.

Nước dâng do cơn bão năm 1959 ở Vịnh Ise cũng gây hậu quả vô cùng nặng nề. Tại các tỉnh Aichi và Mie, nước dâng trên diện rộng khiến hơn 5.000 người thiệt mạng.

Tình hình còn nguy hiểm hơn khi xảy ra nước dâng do bão kết hợp với sóng cao. 7 năm trước, cơn bão Haiyan năm 2013 đã làm rung chuyển Philippines với áp suất tâm bão là 895 hPa. Sóng cao lúc đó được cho là lên tới hơn 20m.

Một người chứng kiến miêu tả nước dâng hơn 5m do bão “giống như sóng thần”. Vào thời điểm đó, nước dâng do bão dường như còn đi kèm sóng cao. Ngay cả ở những khu vực không xảy ra hiện tượng nước dâng, sóng cao được xác nhận lên tới 14m. Tại Philippines, có hơn 7.000 người được ghi nhận đã thiệt mạng và mất tích do cơn bão.

Tự bảo vệ mình trước hiện tượng nước dâng do bão đòi hỏi phải có hiểu biết trước về những nguy hiểm có thể xảy ra. Tại Nhật Bản, có thể kiểm tra những khu vực có nguy cơ ngập lụt trên bản đồ cảnh báo nguy hiểm do chính quyền địa phương cung cấp. Trên bản đồ, mức độ ngập lụt được thể hiện bằng nhiều màu khác nhau. Nước dâng do bão gây thiệt hại đặc biệt lớn ở “những khu vực ven biển hoặc cửa sông” cũng như “những khu vực ngang hoặc thấp hơn mực nước biển”.

Khi chính quyền địa phương ra cảnh báo nhanh chóng sơ tán hoặc cảnh báo nước dâng do bão, người dân nên nhanh chóng đi sơ tán. Tuy nhiên, có những điểm cần phải nhớ là khi bão tới gần, gió cực mạnh có thể bắt đầu thổi trước khi nước dâng khiến việc ra ngoài trở nên khó khăn. Điều quan trọng là phải đi sơ tán nhanh chóng.



4: Nước sông dâng gây ngập lụt

Nhật Bản và các nước Đông Á đã bước vào mùa bão. Trong tuần này, xin gửi tới quý vị loạt bài: "Tìm hiểu về bão". Số thứ 4 nói về ngập lụt ở các con sông.

Từ trước đến nay, mưa lớn khi bão thường xuyên gây ngập lụt ở các con sông lớn. Trong năm 2019, cơn bão Hagibis làm vỡ đập ở tất cả hơn 140 điểm trên sông Chikuma ở miền Trung Nhật Bản và nhiều con sông khác, gây thiệt hại nghiêm trọng trên diện rộng.

Sau đây là một số điểm cần lưu ý khi có nguy cơ nước sông tràn bờ và gây ngập lụt.

Cần kiểm tra bản đồ nguy cơ do chính quyền địa phương cung cấp để kiểm tra xem liệu nơi bạn sinh sống có phải khu vực được coi là có nguy cơ ngập lụt hay không. Mọi người được khuyến cáo kiểm tra cả mực nước ước tính trong trường hợp khu vực nơi sinh sống bị ngập lụt. Nếu mực nước ngập được dự báo sâu hơn 3m, có nghĩa là nước có thể dâng đến sàn tầng 2. Nếu mực nước sâu hơn 5m, nước có thể dâng tới sàn tầng 3 của ngôi nhà.

Ở Nhật Bản, các trạm quan sát thời tiết địa phương thường ban bố cảnh báo ngập lụt đối với các khu vực có nhiều nguy cơ ngập lụt. Chính quyền trung ương và địa phương cũng phối hợp với cơ quan khí tượng, công bố thông tin liên quan đến nguy cơ ngập lụt ở lân cận các con sông lớn. Khi những thông tin này được công bố, phải nhanh chóng đi sơ tán càng sớm càng tốt. Chỉ một con sông nhỏ hay kênh thủy lợi cũng có thể gây ra nguy cơ nghiêm trọng.

Khi mưa rơi không ngớt, nước sông có thể dâng và bất ngờ làm vỡ đập. Nhiều trường hợp thiệt mạng là những người đang di chuyển bằng ô tô hoặc đi bộ.

Do đó, khi đang mưa to gió lớn hoặc trời đã tối sầm lại, mọi người được khuyến cáo nên di chuyển lên tầng 2 nếu nhà cửa kiên cố thay vì tìm chỗ trú ẩn ở bên ngoài.



5: Cần chuẩn bị thế nào trước khi bão đến?

Nhật Bản và các nước Đông Á đã bước vào mùa bão. Trong tuần này, xin gửi tới quý vị loạt bài: "Tìm hiểu về bão". Số cuối cùng của loạt bài là về nên chuẩn bị cụ thể như thế nào trước khi bão đến.

Điều trước tiên và quan trọng nhất là chuẩn bị phía bên ngoài ngôi nhà trước khi bắt đầu có gió mạnh và mưa lớn. Cụ thể cần làm những việc sau:

Gia cố hoặc cất vào trong những đồ vật dễ rơi đặt ở bên ngoài nhà hoặc ở hiên nhà, như chậu hoa hay xe đạp.

Nếu cửa sổ không có cửa sắt chống bão, dán lớp bảo vệ lên kính cửa sổ để ngăn kính văng ra nếu bị vỡ. Nếu cửa sổ không có lớp bảo vệ, kéo rèm che kín cửa kính.

Dọn dẹp khu vực thoát nước kém để ngăn ngập lụt.

Tiếp theo cần kiểm tra đồ dùng khi khẩn cấp đã đủ hay chưa.

Những đồ cơ bản phải có trong túi khẩn cấp đề phòng khi xảy ra thảm họa gồm có nước uống, thực phẩm, đài radio cầm tay, đèn pin, cùng những vật dụng nhằm ngăn ngừa lây nhiễm vi-rút corona chủng mới như khẩu trang, xà phòng, dung dịch sát trùng có cồn và cặp nhiệt độ.

Các gia đình cũng cần trao đổi trước về cách xác nhận sự an toàn của từng người và địa điểm gặp nhau.

Người cao tuổi không sống cùng gia đình cũng nên báo trước mình định đi sơ tán ở đâu trong trường hợp khẩn cấp.

Trong các đợt mưa lớn gần đây, một số trung tâm sơ tán không thể tiếp nhận một số người do hạn chế về ngăn ngừa lây nhiễm vi-rút corona chủng mới. Một số trung tâm giải quyết bằng cách để người sơ tán ở tiền sảnh hoặc hành lang. Hãy kiểm tra trên trang web của chính quyền địa phương.

Khi quyết định sơ tán ở nơi không phải trung tâm sơ tán của địa phương, nên cân nhắc đến nhà người thân hoặc bạn bè ở nơi an toàn.

Trong trường hợp mất điện, liệu thực phẩm trong tủ lạnh có bị hỏng hay không?

Theo công ty điện tử lớn của Nhật Bản là Panasonic, trong trường hợp mất điện, tủ lạnh nếu đóng kín cửa có thể giữ lạnh thực phẩm trong khoảng 2 đến 3 tiếng. Tất nhiên điều này còn tùy vào mẫu tủ lạnh. Công ty cũng gợi ý mọi người nên sắp xếp đồ đông lạnh ở gần nhau trong ngăn đá để giữ cho nhiệt độ không tăng.